Những sai lầm khi dùng thuốc cho trẻ



Đối với trẻ em, việc sử dụng thuốc đúng cách rất quan trọng vì nó liên quan trực tiếp đến sự phát triển thể chất và tinh thần sau này. Vậy dùng thuốc như thế nào là an toàn để không ảnh hưởng đến sức khỏe trẻ và tránh được các sai lầm mà nhiều cha mẹ khi cho con uống thuốc đang mắc phải?

Những sai lầm khi dùng thuốc cho trẻ

Trẻ em, đặc biệt là trẻ nhỏ, do sức đề kháng còn non yếu nên dễ mắc nhiều bệnh khác nhau. Thông thường, khi trẻ mắc bệnh các bậc cha mẹ đều rất lo lắng về tình trạng sức khỏe của con em mình và đưa trẻ đến thăm khám ở các cơ sở y tế. Tuy nhiên, không ít bậc cha mẹ do không có kiến thức về y học mà chủ quan, xem bệnh con mình là nhẹ, tự ý để ở nhà chăm sóc, tự ý mua thuốc hoặc dùng thuốc cho trẻ theo đơn trước đó của trẻ, thậm chí hoặc bằng chính đơn của người lớn nhưng với số lượng thuốc giảm đi. Điều này là rất nguy hiểm với tình trạng sức khỏe của trẻ không những hiện tại mà cả tương lai vì có thể khiến trẻ phải uống nhiều loại thuốc, trong thời gian dài do nguyên nhân gây bệnh không giống nhau. Hơn nữa, hãy nhớ rằng: trẻ em không phải là người lớn thu nhỏ lại và vì nhiều lý do khác nhau, những thuốc bạn tự ý dùng có thể gây độc cho trẻ. Đặc biệt, với những trẻ dưới một tuổi, đã có trên 75% số ca bị ngộ độc là do sử dụng thuốc thiếu chính xác của gia đình. Ngoài ra, nhiều phụ huynh thấy con uống thuốc có biểu hiện giảm triệu chứng thì tự ý dừng khi chưa đủ ngày điều trị cho con dẫn đến tình trạng nhờn thuốc, kháng thuốc, thường gặp nhất là kháng sinh.

Việc chuyển hóa thuốc trong cơ thể chủ yếu ở gan và thải trừ qua thận. Ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, chức năng gan thận chưa hoàn chỉnh nên khả năng thải trừ thuốc chậm hơn nhiều so với trẻ lớn và người lớn nên dễ bị ngộ độc thuốc. Do vậy, khi dùng thuốc cho trẻ sơ sinh đặc biệt là trẻ đẻ non thì phải giảm liều và kéo dài khoảng cách giữa hai lần dùng thuốc.

Nguyên tắc sử dụng

Dùng đúng thuốc và liều chỉ định: Khi mua thuốc cho trẻ theo đơn của bác sĩ, cha mẹ cần hỏi kỹ các điều sau: Đây là thuốc gì và để làm gì? Thuốc này có ảnh hưởng đến những thuốc khác mà trẻ đang sử dụng? Thuốc có tác dụng phụ gì và tác dụng phụ nào là đáng lo ngại? Trẻ cần uống thuốc bao nhiêu trong một lần và bao nhiêu lần trong một ngày, trong thời gian bao lâu? Bao lâu sau thì triệu chứng sẽ được cải thiện? Đối với những trẻ dưới 1 tuổi, do các chức năng của cơ thể như việc bài tiết axit của dạ dày, các men phân tách thuốc, chức năng của gan, thận chưa hoàn chỉnh nên sự hấp thu, phân bố, chuyển hóa và thải trừ thuốc bị ảnh hưởng rất nhiều; thuốc có thể bị tích lũy trong cơ thể gây ngộ độc. Vì thế không nên tự động chia liều người lớn nhỏ ra để cho trẻ nhỏ uống nếu không có chỉ định của bác sĩ.

Sử dụng đúng dạng thuốc: Khi một loại thuốc có nhiều dạng khác nhau như thuốc uống, thuốc tiêm… cha mẹ nên chọn cho trẻ dạng thuốc uống. Dạng thuốc này có khả năng hấp thu rất tốt, dạng siro sẽ làm trẻ dễ uống hơn. Không nên trộn thuốc với thức ăn vì sau đó trẻ sẽ sợ không dám ăn thức ăn đó nữa. Đối với các thuốc bôi da sử dụng tại chỗ như kem, thuốc mỡ… cha mẹ nên hạn chế sử dụng vì chúng có khả năng thâm nhập sâu vào da và dễ dàng vào máu do da trẻ lúc này còn mịn, mỏng và rất yếu. Khi thuốc vào máu, các hoạt chất của thuốc có thể tác động trực tiếp, kéo theo những tác dụng phụ gây hại lên cơ thể của trẻ sau này.
Chọn đúng dụng cụ để đong thuốc: Các thuốc dạng dung dịch, siro thường đi kèm với cốc, thìa hoặc bơm để đảm bảo bạn cho trẻ uống đúng lượng thuốc đã định. Luôn sử dụng dụng cụ đong đi kèm với thuốc để đảm bảo chính xác liều lượng. Không nên dùng các dụng cụ trong nhà bếp như thìa… tránh việc đong sai liều dẫn tới tình trạng không đủ liều hay quá liều gây ngộ độc.

Để thuốc xa tầm với của trẻ: Trẻ nhỏ thường hay tò mò, thích khám phá cái mới lạ nên cha mẹ hay người lớn trong nhà cần để thuốc xa tầm với của trẻ, tốt nhất nên để trong tủ thuốc gia đình. Tủ thuốc này cần đặt ở vị trí cao khỏi tầm với của trẻ, cửa luôn được đóng lại cẩn thận. Đối với những trẻ hiếu động hay nghịch thì tủ thuốc phải khóa cẩn thận. Ngoài ra, khi người lớn dùng thuốc thì nên uống ngay khi lấy ra, tránh để tạm một nơi nào rồi quên, trẻ sẽ dễ dàng bỏ vào miệng.

Theo Suckhoedoisong

Tư vấn và điều trị các bệnh da liễu và xã hội liên hệ phòng khám đa khoa Âu Á HCM để được hỗ trợ tư vấn và thăm khám tốt nhất.
- Địa chỉ: 425 Nguyễn Văn Luông - P 12 - Quận 6 - Tp.HCM ( cách vòng xoay Phú Lâm tầm 100m)
- Website : dakhoaaua.vn

0 nhận xét:

Đăng nhận xét